QUAN HÀNH KHIỂN VÀ PHÁN QUAN NĂM GIÁP THÌN  LÀ VỊ NÀO?
Tin tức

QUAN HÀNH KHIỂN VÀ PHÁN QUAN NĂM GIÁP THÌN LÀ VỊ NÀO?

Đăng: 02/02/2024 bởi Admin.

Có 12 vị hành khiển và 12 phán quan (phán quan là vị thần giúp việc cho các vị hành khiển). Mỗi vị làm một năm dưới dương gian và cứ sau 12 năm thì lại có sự luân phiên trở lại.
Trong vũ trụ có sao Mộc (木星 Mộc tinh) mà phương Đông gọi là sao Thái Tuế (太歲), 12 năm quanh hết một vòng mặt trời. Hàng năm đi ngang qua một cung trên đường Hoàng đạo, ứng với 12 cung từ Tý đến Hợi. Khi sao Mộc đi vào cung Tý năm đó gọi là năm Tý, đến cung Sửu năm đó là năm Sửu …vào cung Hợi là năm Hợi. Vì vậy đó là sao năm hay sao Thái Tuế và được tôn là vị “Hành khiển thập nhị chi Thần” (行遣十二之神). Người xưa, với quan niệm phong phú về thần linh đã không coi đơn giản đó là một ngôi sao mà thần linh hoá thành 12 vị thần hành khiển (quan văn), hành binh (quan võ) gọi là thập nhị Đại vương hành khiển và tin rằng đó là những người thay mặt Ngọc Hoàng – vị vua của thiên giới trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ của 12 con giáp. Bắt đầu là năm Tý, năm cuối cùng là năm Hợi, hết năm Hợi lại quay trở lại với vị Đại vương hành khiển của 12 năm trước.


Các vị đại vương này còn gọi là đương niên chi thần, mỗi vị có trách nhiệm cai trị thế gian trong cả năm, xem xét mọi việc hay dở của từng người, từng gia đình, từng thôn xã cho đến từng quốc gia để định công luận tội, tâu lên Thượng đế. Thượng đế, căn cứ vào bản công tội đó để chỉ thị cho người mới xuống  cai trị biết để định công, tội. Bên cạnh mười hai vị hành khiển là mười hai phán quan. Đại vương hành khiển lo việc thi hành những mệnh lệnh của Ngọc Hoàng còn phán quan thì lo việc ghi chép công, tội của mọi người, mọi gia đình, mọi thôn xã. Trong các vị hành khiển, có vị nhân từ, có vị cương trực và cũng có vị khắc nghiệt. Nếu năm đó gặp vị hành khiển nhân từ, cương trực, đức độ thì nhân dân no đủ, khang thái, ít thiên tai, dịch bệnh. Ngược lại, năm nào đói kém nhiều, bệnh tật, tai ách, loạn lạc triền miên người ta tin rằng đó là hoạ do vị hành khiển năm đó giận dữ giáng xuống.

Vương hiệu của 12 vị hành khiển và các phán quan là:

Năm Tý: Chu Vương Hành Khiển, Thiên Ôn hành binh chi thần, Lý Tào phán quan.
Năm Sửu: Triệu Vương Hành Khiển, Tam Thập lục thương hành binh chi thần, Khúc Tào phán quan.
Năm Dần: Ngụy Vương Hành khiển, mộc tinh hành binh chi thần, Tiêu Tào phán quan.
Năm Mão: TrịnhVương Hành khiển, thạch tinh hành binh chi thần, Liễu Tào phán quan.
Năm Thìn : Sở Vương Hành khiển, hoả tinh hành binh chi thần, Biểu Tào phán quan 
Năm Tị: Ngô Vương Hành khiển, thiên hao hành binh chi thần, Hứa Tào phán quan.
Năm Ngọ: Tần Vương Hành khiển, thiên mao hành binh chi thần, Ngọc Tào phán quan.
Năm Mùi: Tống Vương Hành khiển, ngũ đạo hành binh chi thần, Lâm Tào phán quan.
Năm Thân: Tề Vương Hành khiển, ngũ miếu hành binh chi thần, Tống Tào phán quan.
Năm Dậu: Lỗ Vương Hành khiển, ngũ nhạc hành binh chi thần, Cự Tào phán quan.
Năm Tuất: Việt Vương Hành khiển, thiên bá hành binh chi thần, Thành Tào phán quan.
Năm Hợi: Lưu Vương Hành khiển, ngũ ôn hành binh chi thần, Nguyễn Tào phán quan.

Màu sắc bài vị, quần áo quan đương niên hành khiển theo ngũ hành

Mỗi năm trong các bài văn khấn giao thừa khi dâng hương ngoài trời đều khấn danh vị của các vị quan hành khiển cùng các vị phán quan, năm nào thì khấn danh vị cũng như phải sắm áo vải đúng màu với đương niên hành khiển năm ấy. 

Tên các vị hành khiển theo thập nhị địa chi, nhưng màu sắc bài vị, quần áo tuân theo phép ngũ hành:

     - Năm hành Kim (Canh, Tân):  mầu trắng ;
     - Năm hành Mộc (Giáp, Ất): mầu xanh lá;
     - Năm hành Thủy (Nhâm, Quý): mầu đen;
     - Năm hành Hỏa (Bính, Đinh): mầu đỏ;
     - Năm hành Thổ (Mậu, Kỷ) :  mầu vàng. 

Theo tục xưa :

Cúng Đại vương hành khiển là vào đầu năm mới, ngay phút giao thừa, sửa lễ tiễn năm cũ là tiễn cả vị đại vương năm cũ và đón vị thần năm mới. Hiện nay, trong thực tế tại một số địa phương, thần hành binh, hành khiển còn hiện diện trong nhiều lễ cúng bởi quan niệm tất cả các loại chiến tranh, dịch bệnh, gây chết người hàng loạt là do thần Hành Binh Hành khiến thiếu quân, chỉ đạo các vị thần có nhiệm vụ thu quân. Ngày xưa khi có chiến tranh hoặc dịch bệnh gây tai họa khủng khiếp, gây ấn tượng mạnh khiến con người hoảng sợ, hàng năm bày tục cúng ra mắt các vị thần Hành Binh Hành Khiến và Phán Quan tha thứ.
 
Lễ vật cúng các thần này là gạo muối, trầu cau, trà rượu, một con gà luộc và vài chén cháo....đặc biệt phải có giấy tiền vàng bạc và một bộ đồ thế. Theo quan niệm “nhất nhân thế nhị hình” thì mỗi thành viên trong gia đình phải nộp hai hình thế để các vị thần này điền vào sổ lính. Ngoài ra người ta còn đốt dâng cho các vị thần này hình ảnh doanh trại, ghe thuyền, xe cộ, vũ khí, chiêng trống... Khi cúng xong, người ta lấy hình một vị thần Hổ dán ngay cửa cái, ý muốn nhờ ngài phù hộ tất cả các thành viên trong gia đình và bẻ cặp giò gà đang cúng để đoán vận mạng cát hung. Ngay trong tục tống quái ngày nay người ta cũng vin vào lý do cấp quân cho thần Hành binh, Hành khiển mà làm một bè bằng chuối hay dán bằng giấy, khung bằng tre, trên có gắn hình nhân quân lính, gạo muối, gà luộc… mà thả trôi sông vừa để xua đuổi vận rủi, tai ương vừa cung cấp lính cho các thần.


Lưu ý là trong các bài văn khấn giao thừa khi dâng hương ngoài trời đều khấn danh vị của các vị quan hành khiển cùng các vị phán quan nói trên, năm nào thì khấn danh vị của danh vị của quan hành khiển năm ấy. Như vậy theo bảng trên thì năm nay Giáp Thìn  2024 là Sở Vương Hành khiển, hoả tinh hành binh chi thần, Biểu Tào phán quan../.

Trên đây: Là tổng hợp theo các phong tục, tập quán dân gian. Có thể phù hợp với địa phương này hoặc địa phương khác, nên bài viết chỉ mang tính chất tham khảo để mọi người thực hiện niềm tin của mình. Bời vì:
1. Việt Nam có 64 dân tộc, mỗi dân tộc có những văn hóa hoặc câu chữ khác nhau nên chúng ta không chấp pháp.

2. Nhìn rộng ra thì thế giới có nhiều quốc  gia, với mỗi quốc gia lại có niềm tin khác nhau, cách thực hành các nghi lễ tín ngưỡng khác nhau. Nên chúng ta chỉ cần hiểu về ý nghĩa của các nghi lễ để thực hiện theo và có những hành động đúng. Tâm Linh (Tâm có lòng - tất sẽ Linh ứng) và từ Tâm Linh cần hiểu rõ về Từ, Ngữ, Nghĩa, Ý để có góc nhìn chân chính./.

 

Nguồn : Sưu tầm

 

Viết bình luận của bạn:
icon icon
%}