BAO SÁI BAN THỜ, RÚT TỈA CHÂN NHANG ĐỦ CÁC BƯỚC
Tin tức

BAO SÁI BAN THỜ, RÚT TỈA CHÂN NHANG ĐỦ CÁC BƯỚC

Đăng: 01/02/2024 bởi Admin.

Phong tục "bao sái bàn thờ" vào dịp Tết Nguyên Đán của người Việt là một nghi lễ văn hóa truyền thống, thể hiện lòng hiếu kính và sự tri ân đối với tổ tiên.

 1. Bao sái là gì?
Bao sái được hiểu là việc thực hiện lau dọn vệ sinh bát hương. Đây là việc quan trọng cần làm trước khi năm cũ khép lại, đón năm mới về. Thường sau nghi thức cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp, các gia đình sắp xếp thời gian thực hiện dọn dẹp bàn thờ, bao sái bát hương. Mặc dù mùng 1 và ngày Rằm hàng tháng, thắp hương hoa quả khấn cầu tưởng nhớ gia tiên thì mọi người đều thực hiện việc dọn dẹp, lau chùi. Nhưng bao sái bàn thờ cuối năm mang ý nghĩa quan trọng hơn, rút tỉa chân hương cho án thờ khang trang, thoáng đãng. Đây cũng là một cách thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu.
 
 2. Chuẩn bị :
 - Chậu nhỏ sạch: dùng để chứa nước vang ấm,
 - Khăn lau mới (khăn mặt, gạc y tế) : dùng để lau bát nhang, bài vị, đồ thờ cúng, ban thờ, khán thờ
 - Ngũ vị hương (nước vang) gồm : quế, hồi, đinh hương, gỗ vang, bạch đàn. Loại ngũ vị hương tẩy uế này còn được biết đến với tên gọi nước cầu an, nước phú quý.
 - Không có nước vang có thể dùng rượu gừng : Rượu gừng không chỉ có tác dụng trong sức khoẻ mà còn được ứng dụng làm nước bao sái bàn thờ rất tốt. Rượu và gừng đều có tác dụng sát khuẩn, vừa làm sạch đồ thờ vừa mang lại mùi thơm dịu nhẹ, loại bỏ bụi bặm bám lâu ngày. Loại nước bao sái này cũng mang lại sinh khí mới cho không gian án thờ.
 - Tro nếp : Tro nếp được đốt từ rơm nếp sạch có mùi thơm đặc trưng của rơm. Sau khi đốt tro sẽ được sàng lọc kỹ để loại bỏ phần rơm chưa cháy và tạp chất khác như sỏi đá, vỏ trấu. Tro nếp có nhiều đặc trưng thích hợp để sử dụng bốc bát hương, như: tơi xốp, nhẹ, mềm, mịn dễ cắm nhang, màu sắc đen óng.

3. Thời điểm bao sái bàn thờ:
Theo quan niệm dân gian, sau khi ông Công ông Táo lên chầu trời, các vị thần sẽ rời đi nên bàn thờ - nơi an tọa của các vị thần sẽ bị trống. Bởi vậy, đây là thời điểm thích hợp để bao sái bàn thờ, tỉa chân hương mà không sợ ảnh hưởng đến việc thờ cúng hay động chạm đến bàn thờ. Theo đó, công việc rút tỉa chân nhang, dọn dẹp bàn thờ, tổng vệ sinh phòng thờ nên thực hiện sau khi đã hoàn thành lễ nghi cúng 23 tháng Chạp, cúng ông Công ông Táo.

Ví dụ nếu cúng ông Công ông Táo sáng ngày 23 tháng Chạp thì chiều có thể tiến hành nghi lễ. Còn nếu cúng vào chiều 23 thì phải đến sáng hôm sau hoặc một ngày lành khác, bởi công việc này phải làm vào ban ngày, không nên làm vào buổi tối. Việc lau dọn bàn thờ nên được thực hiện xong xuôi trước ngày 30 tháng Chạp, bởi ngày đó, ông Công, ông Táo sẽ quay trở lại trần gian.

4. Tham khảo ngày đẹp để bao sái bàn thờ năm 2024
Thời điểm bao sái dịp cuối năm nếu có điều kiện thời gian nên lựa các ngày Thiên Xá, ngày có Trực Trừ, hoặc các ngày có Thiên Tinh tốt đáo tới để tiến hành. Theo Chuyên gia phong thủy Master Phùng Phương, có 4 ngày lựa chọn tốt nhất để bao sái ban thờ và đón Tết Giáp Thìn 2024:
    - Ngày 30/01 dương lịch (tức 20 tháng Chạp)
    - Ngày 02/02 dương lịch (tức 23 tháng Chạp)
    - Ngày 06/02 dương lịch (tức 27 tháng Chạp)
    - Ngày 08/02 dương lịch (tức 29 tháng Chạp)

Chọn ngày đẹp với nhiều thiên tinh giúp thanh lọc không khí trường và làm tăng vượng khí cho ban thờ. Các ngày này cũng tối ưu hóa kết nối mong muốn và nguyện ước của gia đình. Ngoài ra, một số chuyên gia phong thủy khác đề xuất ngày 23 tháng Chạp (2/2/2024 dương lịch) - ngày Tư Mệnh Hoàng Đạo là lựa chọn tốt nhất để tỉa chân nhang và bao sái ban thờ. Ngày này, mặc dù tiễn Táo quân chầu trời, nhưng được coi là ngày thuận lợi cho nghi thức này. Nếu không thể thực hiện vào ngày này, có thể chọn một trong 3 ngày còn lại. Trong trường hợp không thể sắp xếp vào các ngày này, quan trọng nhất là chọn giờ thuận lợi trong ngày khác để thực hiện bao sái.

Tuy nhiên, tâm linh và lòng thành kính đối với Phật thánh, Thần linh, và Gia tiên vẫn là yếu tố quyết định quan trọng nhất. Tuân thủ quy trình và tránh các sai phạm là điều cần chú ý trong quá trình bao sái ban thờ

5. Tham khảo khung giờ đẹp bao sái, rút tỉa chân nhang năm 2024
Chuyên gia gợi ý các khung giờ vàng cúng ông Công ông Táo, sau đó tiến hành bao sái và rút tỉa chân nhang
- Ngày 19 âm lịch cúng ông Công ông Táo, khởi lễ từ 7h10 đến 8h50. Bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu tiến hành từ 9h10 đến 10h50, hoặc từ 13h10 đến 14h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Dần, Thân, Tỵ, Hợi.
- Ngày 20 âm cúng ông Công ông Táo, khởi lễ từ 7h10 đến 8h50. Bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu tiến hành từ 13h10 đến 14h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
- Ngày 21 âm cúng ông Công ông Táo, khởi lễ từ 5h10 đến 6h50. Bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu tiến hành từ 15h10 đến 16h50. Ngày này hợp các tuổi Dần, Thân, Tỵ, Hợi, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
- Ngày 22 âm cúng ông Công ông Táo, khởi lễ từ 5h10 đến 6h50. Bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu tiến hành từ 9h10 đến 10h50, hoặc từ 15h10 đến 16h50. Ngày này hợp các tuổi Dần, Thân, Tỵ, Hợi, Tý, Ngọ, Mão, Dậu.
- Ngày 23 âm cúng ông Công ông Táo, khởi lễ từ 9h10 đến 10h50. Bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu tiến hành từ 13h10 đến 14h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
- Ngày 24 âm, bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu tiến hành từ 5h10 đến 6h50, hoặc chiều từ 13h10 đến 14h50. Ngày này hợp các tuổi Dần, Thân, Tỵ, Hợi, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
- Ngày 28 âm, bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu tiến hành từ 5h10 đến 6h50, hoặc từ 9h10 đến 10h50, chiều từ 15h10 đến 16h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Dần, Thân, Tỵ, Hợi.
 

 6. Trình tự của lễ bao sái - lễ sửa bát hương như sau:

Bước 1 :  Đầu tiên gia chủ thắp hương bái cúng thổ công, gia tiên xin bao sái bát hương.

Bài văn khấn xin bao sái bát hương như sau:
- Con Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
- Con xin kính lạy : Thổ công, Táo quân Vua bếp tại gia ;
- Con tấu lạy Thần linh đất nước;
- Con lạy ông tiền chủ, bà Hậu chủ ;
- Con lạy Đức Sơn thần, thần linh thổ địa.
- Con xin trình thỉnh: Thành Hoàng Bản Thổ Long mạch Đại Vương,
- Con thỉnh Bản Gia Thổ công Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, Thần tài Chúa đất, Tiên hậu Thổ chủ,
- Con thỉnh Nội gia tiên tổ, Ngoại gia tiên tổ, trên Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng tổ tỷ, cô tổ, mãnh tổ, dưới đến thúc bá đệ huynh cô di tỷ muội bên nội bên ngoại.
Họ ......, Họ ......:
- Xin ông thần ban thờ, ông thần bát hương cho phép con bao sái bát hương ban thờ.
“ Án, Chiết lệ chủ lệ chuẩn đề sa ba ha” (21 lần)
“Linh xuất lô nhang” (3 lần)

Bước 2 : Dịch chuyển bát hương
Sau khi đã đọc xong đợi hương tàn 1/3 thì gia chủ có thể xe dịch bát nhang để lau rửa thoải mái.
Lưu ý phải dời bát hương khỏi ban thờ rồi mới làm vệ sinh, tuyệt đối không vệ sinh ngay trên ban thờ.

Bước 3 : Cách Tỉa chân nhang

- Để tờ báo hoặc tấm vải sạch ở gần bát hương để đựng chân nhang. Một tay giữ bát hương, một tay nhẹ nhàng rút từng chân hương, khóm chân hương để lên tờ báo/vải, cẩn thận để không làm tung tóe tro.
- Bát hương quan thần linh tỉa hết, chỉ giữ lại 5 chân nhang.
- Bát hương khác giữ lại 3 chân nhang.
- Phần chân nhang tỉa ra đốt hết, thả tro trôi sông.
- Bỏ bớt phần tro đã đầy, cho thêm tro mới sao cho cách miệng bát hương 1-2cm

Bước 4: Cách lau dọn Ban thờ 

Vệ sinh bát hương: Dùng khăn gạc sạch thấm nước vang hoặc rượu gừng lau sạch từ miệng bát hương trở xuống mặt nhật nguyệt của bát hương. Sau đó lau bài vị, đồ thờ cúng, ban thờ

Lưu ý :

Nếu gia đình có bàn thờ Phật và bàn thờ Gia tiên riêng thì cần thực hiện lau dọn bàn thờ Phật trước. Nên dùng nước vang hoặc nước sạch lau Ban thờ Phật sẽ tốt hơn dùng rượu gừng. 

Bước 5  : Cố định lại bát hương
- Sau khi đã  lau chùi bát hương xong, đặt cố định lại vị trí trên ban thờ. Từ đây, gia chủ không được xê dịch bát hương nữa.
- Sau khi xong xuôi tất cả, gia chủ thắp nhang xin yên vị chân nhang ngọn khói và án thờ.

Bước 6 : Sắm lễ , thắp hương
- 1 đĩa xôi, 1 khúc thịt
- 1 đĩa hoa quả theo mùa
- 1 ấm trà và bộ 5 chén nhỏ
- 3 chén rượu nhỏ
- 1 tách nước sôi để nguội
- 3 lễ tiền vàng 
- 2 lọ hoa hai bên

Sau khi đã sắm lễ xong, thắp nhang và đọc
-  “Linh nhập lô nhang” (3 lần)
- Nếu có tượng thì đọc “Linh nhập tượng” (3 lần)

Lưu ý:
- Những chân nhang đã nhổ cần đốt, thả tro xuống sông suối.
- Khi bao sái xong đâu đấy đặt ngay ngắn theo chỗ cũ không được đặt lệch chỗ khác, muốn vậy trước khi bao sái phải lấy bút đánh dấu

Bao sái không chỉ là một nghi thức thông thường mà nó nhằm tỏ rõ lòng thành kính của con cháu đến ông bà, tổ tiên chính vì vậy khi thực hiện nghi thức này cần thật sự thành tâm để công việc suôn sẻ, tốt đẹp.


Nguồn : Sưu tầm dân gian

Viết bình luận của bạn:
icon icon
%}